4854365dfd5906075f48

Mỗi mùa thời trang thu đông là dịp để những cuộc biểu tình phản đối việc sử dụng lông thú trong thời trang bùng phát. Cùng Ferosh tìm hiểu về lịch sử nguyên liệu gây tranh cãi này nhé!

Thời trang lông thú luôn tạo cảm giác sang trọng và quý phái cho người mặc
Thời trang lông thú luôn tạo cảm giác sang trọng và quý phái cho người mặc

LÔNG THÚ THẬT – ĐẠI DIỆN CỦA ĐỊA VỊ XÃ HỘI VÀ CUỘC SỐNG XA HOA

Cách đây 30.000 năm, những mũi kim đơn giản từ xương thú đã làm nên các trang phục may từ lông và da thú. Nó không chỉ bảo vệ, che chắn con người trước thời tiết mà quan trọng hơn cả, khi khoác lên mình tấm da động vật, họ cảm nhận mình có được sức mạnh thần thánh từ chúng.

Cho đến khi loài người phát triển thành hình thái xã hội cao hơn, có tầng bậc cao thấp, có những lễ nghi tôn giáo và thần linh riêng của mình, lông thú là hiện thân cho những gì xa hoa nhất, tối cao nhất cũng như quyền lực nhất. Từ thế kỷ XIV đến XVII, các vị vua và nữ hoàng ở Anh đã ban hành các sắc lệnh quy định về lông thú và trang phục chất liệu này, đặc biệt là để dành những loại lông quý như chồn marten, cáo, sóc xám và chồn ermine cho giới tu sỹ, quý tộc.

Chỉ có giới quý tộc thời đó mới được sử dụng trang phục làm từ lông thú.
Chỉ có giới quý tộc thời đó mới được sử dụng trang phục làm từ lông thú.

CÓ NÊN TIẾP TỤC SỬ DỤNG LÔNG THÚ TRONG THỜI TRANG?

Trớ trêu thay, những gì trên đời quý giá, cao sang mà ai cũng khao khát đều là thứ khan hiếm và phải đánh đổi mới có được. Nếu như vàng bạc, đá quý có được từ sự đánh đổi bằng những tổn thất về môi trường, thậm chí cả tính mạng người thợ mỏ, thì lông thú đánh đổi bằng nỗi đau đớn tột cùng và nguy cơ tuyệt diệt của những loài thú lỡ sinh ra với bộ lông quý trên mình.

Những năm gần đây, nhiều quy luật về sử dụng lông thú thật trong thời trang đã được ban bố nhằm siết chặt, giảm thiếu tối đa những hành vi ngược đãi động vật và gây ô nhiễm môi trường. Lông thú đã bị cấm hoàn toàn trong những buổi biểu diễn thời trang tại London Fashion Week, nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới cũng kiến nghị nghiêm cấm hoàn toàn buôn bán lông thú như San Francisco, Los Angeles, New Zealand… Các hãng thời trang lớn trên thế giới như Prada, Burberry, Versace, Armani, Stella McCartney cũng có những động thái hạn chế hoặc ngưng sản xuất các thiết kế làm từ động vật.

Một chú chồn bị nuôi nhốt chờ lấy lông tại Trung Quốc.
Một chú chồn bị nuôi nhốt chờ lấy lông tại Trung Quốc.

LÔNG THÚ NHÂN TẠO CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG ÁN THAY THẾ TỐI ƯU CHO LÔNG THẬT?

Không thể phủ nhận những hành vi tiêu cực trong quá trình sản xuất lông thú, từ khâu chăn nuôi, lấy da, xử lý da thô cho đến khi tới được tay người mua. Những hình ảnh động vật bị hành hạ, đau đớn hay môi trường chăn nuôi chật hẹp, dơ dáy liên tục xuất hiện trên các trang báo đài truyền thông và càng dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Có lẽ các loại áo khoác lông giả từ sợi tổng hợp sẽ giải quyết vấn đề này, nhưng những tác hại đến môi trường thì vẫn chưa thực sự được xử lý triệt để.

Các sản phẩm thời trang làm từ lông thú nhân tạo cũng sang trọng không kém. Mang tính ứng dụng cao.
Các sản phẩm thời trang làm từ lông thú nhân tạo cũng sang trọng không kém. Mang tính ứng dụng cao.

LÔNG THÚ NHÂN TẠO ĐƯỢC LÀM BẰNG GÌ?

Được chế tác từ sợi polymer tổng hợp như acrylic, modacrylic, polyester, lông thú giả về cơ bản là một hình thức của chất liệu nhựa. Những loại sợi trên được chiết xuất từ các hóa chất có nguồn gốc từ than đá, không khí, nước, dầu mỏ và đá vôi. Trên thực tế, việc xử lí nhựa không đúng cách sẽ dẫn đến những tác hại khủng khiếp cho môi trường, đặc biệt là các loài động vật hoang dã.

LÔNG THÚ NHÂN TẠO CÓ THỰC SỰ LÀ PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU?

Theo Joshua Katcher – nhà thiết kế và là tác giả của cuốn sách Fashion Animals: “Câu chuyện lông thật có ảnh hưởng tích cực cho môi trường hơn bởi vì chúng xuất phát từ tự nhiên là một ý tưởng nông cạn. Khi bạn nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy chất liệu lông không hề thân thiện hay bền vững. Tạo hóa tạo ra da động vật là để phân hủy. Khi chúng chết, da và tóc sẽ thoái hóa và quay trở lại với đất. Vì vậy, họ phải thêm vào các hóa chất để ngăn quá trình tiêu biến khi sản xuất trang phục từ lông thật”.

Đừng vội kết luận rằng faux fur độc hại chẳng khác gì các nguyên liệu truyền thống nhé. Theo Ashley Byrne, một chuyên gia tại PETA, các loại lông thú giả vẫn có tiềm năng trở nên thân thiện với môi trường hơn.Như nhà mốt Stella McCartney đã ra mắt chiếc áo khoác làm từ Koba faux fur – được sản xuất từ ngô và polyester tái chế – trong buổi diễn Spring / Summer 2020, và thậm chí công nghệ in 3-D cũng đang được thử nghiệm nhằm tối ưu hóa faux fur.

KẾT LUẬN

Không dễ gì phân biệt được sản phẩm lông thú thật và lông thú giả
Không dễ gì phân biệt được sản phẩm lông thú thật và lông thú giả

Ngành công nghiệp lông thú nhân tạo cũng không hề vô tội. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào phân tích những sai lầm của cả hai phương thức kinh doanh này, chúng ta cần ưu tiên tìm kiếm các giải pháp cho tương lai. Hiện nay, nhiều cải tiến công nghệ đang được nghiên cứu có thể mang lại những lựa chọn thay thế dành cho lông và da thú giả.

“Cuộc chiến” giữa lông thú nhân tạo và lông thật vẫn chưa có hồi kết. Lông thú giả có thể tác động tiêu cực đến môi trường, tuy nhiên, chúng lại không trực tiếp dẫn đến cái chết của các loài động vật. Vì vậy, giữa hai trường phái, vẫn rất khó để phân định đúng – sai hay chất liệu nào thì tốt hơn.

Là một người mua sắm thông minh và thật sự quan tâm đến môi trường, chúng ta luôn phải tìm hiểu kĩ nguồn gốc, chất liệu, các báo cáo, số liệu để biết liệu thương hiệu này có đang thực hiện những động thái bảo vệ môi trường không, đặc biệt là các sản phẩm được làm từ faux fur.

Nguồn: Sưu tầm